“An toàn Thông tin trong Chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới”

Hội thảo trực tuyến An toàn Thông tin khu vực Phía Nam năm 2021 với chủ đề “An toàn Thông tin trong Chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới” do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) – Chi hội Phía Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông – Cục An toàn Thông tin, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức là sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của giới khoa học công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin (CNTT) và An toàn Thông tin (ATTT) cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp đang triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam.

Hội thảo trực tuyến sẽ diễn ra từ 8h00 và bế mạc lúc 16h30 thứ Bảy, ngày 23/10/2021 tại kênh livestream Facebook / kênh riêng Youtube / trang tin website.


Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giao lưu cùng các doanh nghiệp, cộng đồng CNTT và ATTT, là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị ứng dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ CNTT và ATTT trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lĩnh vực An ninh, An toàn Thông tin, là nơi giới thiệu những thành tựu về công nghệ mới nhằm đáp ứng các đòi hỏi của xu thế phát triển công nghệ, phục vụ công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong các cơ quan, doanh nghiệp và người dùng cá nhân.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Cùng với chiến lược, mục tiêu của chuyển đổi số là những kế hoạch cụ thể đã và đang được các cơ quan doanh nghiệp triển khai. Công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ càng, trang bị tri thức về quản trị và công nghệ phù hợp, chuẩn bị nguồn lực tương ứng để thực thi thành công các mục tiêu chuyển đổi số.

Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định: “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Tại Hội thảo, Chi hội VNISA phía Nam sẽ trình bày báo cáo về bức tranh tổng thể ATTT của khu vực phía Nam cũng như tình hình ATTT chung của Việt Nam và thế giới, nêu lên những cảnh báo, phòng ngừa và các khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Dựa trên khảo sát của VNISA 2021, dưới đây là 10 đặc điểm chính trong kết quả khảo sát năm nay dự kiến dẽ được trình bày trong Báo cáo của Chi hội VNISA Phía Nam:

1. Số lượng khảo sát rất phong phú, tăng hơn 100 khảo sát so với năm 2020 (năm 2021: 172 ý kiến, năm 2020: 74 ý kiến, năm 2019: 160 ý kiến).

2. Có nhiều ý kiến khảo sát được ghi nhận từ các đơn vị có quy mô lớn hơn năm 2020 (45% ý kiến xuất phát từ các đơn vị có trên 300 nhân sự sử dụng máy tính).

3. Khuynh hướng kết quả khảo sát cho thấy vấn đề ATTT được quan tâm nhiều hơn ở các đơn vị, ví dụ như có bộ phận chuyên trách về ATTT tại đơn vị, xây dựng và ban hành quy chế, quy định về bảo đảm ATTT và bảo vệ thông tin cá nhân tại đơn vị.

4. Tỷ lệ % các đơn vị có triển khai các quy trình nghiệp vụ về ATTT trong khảo sát năm 2021 tăng hơn so với khảo sát năm 2020 ở hầu hết các tiêu chí.

5. Vẫn còn 49% ý kiến cho rằng chi phí đầu tư cho ATTT chưa đến 5% chi phí CNTT của đơn vị.

6. Nhu cầu đào tạo về ATTT là khá lớn: 15-26% cho rằng cần đào tạo ngay, 40-45% cho rằng cần đào tạo trong tương lai.

7. Mặc dù có 81% ý kiến khảo sát cho rằng đơn vị có tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dùng tại đơn vị nhưng vấn đề khó khăn nhất trong việc bảo đảm ATTT cho doanh nghiệp vẫn luôn là nâng cao nhận thức cho người sử dụng về bảo mật máy tính (59% ý kiến năm 2021, 50% ý kiến năm 2020).

8. Việc triển khai quy trình thao tác chuẩn (Standard Operating Procedures) để phản hồi lại các sự cố mất ATTT cần phải cải thiện vì chưa đến 60% các khảo sát cho thấy đơn vị công tác có áp dụng việc này.

9. Phần lớn ý kiến cho rằng đối tượng đáng lo ngại nhất là tội phạm máy tính như hacker bất hợp pháp: 68,9% (khảo sát năm 2021) và 47% (khảo sát năm 2020).

10. 100% khảo sát trong năm 2020 và 2021 đều cho biết đơn vị mình làm việc và hội họp trực tuyến, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19, và 90% ý kiến cho rằng sẽ tiếp tục làm việc và hội họp trực tuyến sau giai đoạn giãn cách do Covid-19. Rủi ro khi làm việc, hội họp trực tuyến như lộ thông tin do chia sẻ tập tin trong hội họp, có người ngoài tham dự họp… giảm mạng xuống còn 20% trong 2021 so với 82% của 2020.

Các báo cáo chuyên đề cùng các phiên tọa đàm sẽ đề cập đến những chủ đề rất thiết thực, được sự quan tâm và mong chờ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng CNTT, ATTT, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích cho khán giả tham dự trực truyến.

Hội thảo trực tuyến bắt đầu mở đăng ký từ ngày 16/10/2021 và hoàn toàn miễn phí tham dự. Các thông tin hội thảo và đăng ký tham dự được Ban tổ chức gửi qua email cũng như đăng tải trên các kênh truyền thông của VNISA phía Nam qua website, fanpage.

 HIỆP HỘI AN TOÀN THÔNG TIN VIỆT NAM – CHI HỘI PHÍA NAM

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin trở nên ngày càng quan trọng và cấp thiết. Trên thực tế đó, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (viết tắt là VNISA) đã ra đời theo Quyết định số 1078/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ nước CHXHCN Việt Nam ngày 14/08/2007. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin được nhà nước Việt Nam công nhận. VNISA tập hợp các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực ATTT nhằm tuyên truyền nhận thức, phát triển công nghệ và đẩy mạnh ứng dụng đảm bảo ATTT trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực:

§ Tổ chức sự kiện, hội thảo, tọa đàm, báo cáo chuyên đề về ATTT
§ Khảo sát, điều tra về ATTT trên phạm vi vùng miền và toàn quốc
§ Tư vấn và đào tạo chuyên sâu cho các tổ chức, cá nhân về giải pháp và ứng dụng trong lĩnh vực ATTT
§ Dịch vụ tư vấn và phản biện về ATTT
§ Dịch vụ đánh giá về an ninh và bảo mật thông tin
§ Tổ chức các cuộc thi, trình diễn về ATTT
§ Chủ trì hợp tác với các hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có liên quan để trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp đỡ nhau nhằm phát triển và đẩy mạnh ứng dụng ATTT

Chi hội An toàn Thông tin phía Nam là cánh tay nối dài của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), nơi tập hợp các hội viên đơn vị và cá nhân sinh hoạt tại phía Nam. Chi hội được chính thức thành lập từ ngày 15/09/2008, hoạt động tuân thủ theo điều lệ và chỉ đạo thống nhất của Hiệp hội. Cơ cấu tổ chức của Chi hội bao gồm Ban Chấp hành với 21 thành viên, Văn phòng Chi hội, các ban công tác và các ban chuyên môn.
BTV
CEO Việt
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: doanhnhanvadoisong@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 35/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 15/8/2017
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Long Trần
Ghi rõ nguồn: doanhnhandoisong.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc HL Media
Văn phòng: 232/1/10 Bình Lợi, phường 13, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38055303 - Hotline: 0934048895
Email: doanhnhanvadoisong@gmail.com