Nhiều vấn đề mới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thời đại Covid-19

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều vấn đề phát sinh trong chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi, đòi hỏi người chăm sóc cần lưu ý để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người cao tuối, nhất là các đối tượng mắc nhiều bệnh nền.

Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho ông P.V.P. (70 tuổi, ngụ tại Đồng Nai). Ông P. có bệnh nền tăng huyết áp và đái tháo đường típ 2. Trong thời gian giãn cách xã hội, ông bỏ tái khám khiến bệnh trở nặng, từng phải nhập viện cấp cứu. Do mất đi người thân vì COVID-19, tinh thần ông ngày càng sa sút, bỏ điều trị khiến sức khỏe ngày càng yếu. Gia đình đưa ông đến Bệnh viện tái khám. Ông được Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Nội tiết, Lão - Chăm sóc giảm nhẹ và chuyên viên Tâm lý xã hội của Phòng Công tác Xã hội thăm khám, động viên tinh thần và điều trị bệnh. Sau 1 tháng, hiện sức khỏe của ông được cải thiện rõ rệt, tinh thần tốt và đang tiếp tục được theo dõi, tái khám đều đặn.

ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà khám cho người bệnh cao tuổi tại Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ

Những yếu tố ảnh hưởng đến người cao tuổi do tác động của đại dịch COVID-19

ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà – Phó trưởng Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, giai đoạn hậu COVID-19 phải gánh chịu nhiều hậu quả của dịch để lại trên nhiều lĩnh vực. Trong thời đại này, nhìn chung các vấn đề chăm sóc sức khỏe ở người cao tuổi không khác gì hơn so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên có một số vấn đề điển hình và phát sinh mới cần được quan tâm.

Theo ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà, sức khoẻ của người cao tuổi không chỉ bị ảnh hưởng trực tiếp do COVID-19 mà trong thời gian đại dịch hoành hành vừa qua, những thay đổi về hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế, y tế… cũng góp phần gián tiếp làm xấu đi sức khoẻ của người cao tuổi.

COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp về thể chất lẫn tinh thần của người cao tuổi. Trong thời điểm giãn cách xã hội vì COVID-19, tâm lý sợ lây nhiễm, không đến cơ sở chăm sóc y tế dẫn đến bệnh lý mạn tính trở nên xấu đi và khó kiểm soát. Trường hợp nhiễm COVID-19, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ tăng tỉ lệ diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong do tuổi cao và nhiều bệnh nền. Các bệnh bao gồm: hen, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh tim mạch, tiền căn đột quỵ và COPD.

Nghiên cứu gần đây tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ BV ĐHYD TPHCM cho thấy, người cao tuổi có 3 bệnh nền trở lên có nguy cơ nhập viện gấp 5 lần so với người không mắc bệnh, độ tuổi càng cao thì tỉ lệ nhập viện và tử vong càng lớn. Bên cạnh đó, các điều trị COVID-19 như dexamethasone, thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, thở oxy dòng cao… có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mạn tính trên người bệnh cao tuổi.

Sau khi nhiễm COVID-19, người cao tuổi có thể bị tổn thương cơ quan dẫn đến bệnh thận mạn, xơ phổi do thở oxy, suy tim…, các biến chứng do bệnh nền hoặc hội chứng hậu COVID-19 kéo dài. Đặc biệt, người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lí khi vào sống ở khu cách ly, phải điều trị thở máy hoặc mất mát người thân, thiếu người chăm sóc…

Lưu ý trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay

ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà cho biết, bên cạnh tiếp tục các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của Bác sĩ, không được ngưng thuốc đột ngột và phải tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe. Người bệnh và người nhà cần hiểu biết rõ về các bệnh lý người bệnh mắc phải, biết được các dấu hiệu bệnh trở nặng cũng như trường hợp cần phải đến khám và nhập viện. Ngoài ra, việc động viên, hỗ trợ tâm lý cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tại nhà cũng cần được quan tâm đúng mực để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh cao tuổi, giúp người bệnh phối hợp tốt trong điều trị cũng như chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình. Trước số lượng người bệnh COVID-19 nặng đang có xu hướng tăng trở lại, người cao tuổi và người thân không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch như:

- Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 theo đủ số lượng khuyến cáo
- Đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang và không dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa…

Tại Tuần lễ đào tạo liên tục thường niên BV ĐHYD TPHCM năm 2022, nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời đại dịch bệnh COVID-19 sẽ được trình bày nhằm cập nhật kiến thức cho đội ngũ nhân viên y tế, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc cho người bệnh cao tuổi trong giai đoạn hiện nay.

Các phiên đào tạo về chuyên khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ tại Tuần lễ Đào tạo năm nay còn có nhiều chủ đề cập nhật những khuyến cáo mới nhất về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Triệu chứng mệt mỏi và suy nhược ở người cao tuổi; Đánh giá biến cố nguy cơ hít sặc và viêm phổi hít ở người cao tuổi, Đái tháo đường ở người cao tuổi có bệnh lí tim mạch và tiêm chủng cúm mùa ở người cao tuổi…
BTV/
CEO Việt

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: doanhnhanvadoisong@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 35/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 15/8/2017
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Long Trần
Ghi rõ nguồn: doanhnhandoisong.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc HL Media
Văn phòng: 232/1/10 Bình Lợi, phường 13, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38055303 - Hotline: 0934048895
Email: doanhnhanvadoisong@gmail.com