Ra mắt MV âm nhạc để khuyến khích thanh thiếu niên kết nối an toàn đường bộ

Tổ chức phi chính phủ về An toàn đường bộ ra mắt video âm nhạc giới thiệu Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên, cho phép thanh thiếu niên báo cáo các rủi ro nguy hiểm trên đường trực tiếp đến cơ quan chức năng.

 
Học sinh tham gia cổ vũ các đội thi
 
Cuộc thi thử thách sáng tạo cùng Cung Đường Biết Nói: Tuổi trẻ hành động vì những cung đường an toàn
 
Để chào mừng sự ra mắt của MV, Cuộc thi thử thách sáng tạo cùng Cung Đường Biết Nói sẽ được tổ chức tại Pleiku nhờ sự phối hợp của Quỹ AIP với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các cơ quan địa phương. Khoảng 1.300 học sinh từ 10 trường THCS và THPT tham dự cuộc thi.
 
Học sinh sẽ tham gia biểu diễn các tiết mục dự thi theo lời bài hát và nhạc của MV để nâng cao nhận thức của các em và cơ quan chức năng về tầm quan trọng của khu vực trường học an toàn. Đây là cơ hội để học sinh chia sẻ ý kiến của mình về những rủi ro mà các em gặp phải và kêu gọi những thanh thiếu niên khác hành động và báo cáo những con đường nguy hiểm. Học sinh có thể chọn một trong ba phương án sau để trình diễn:
 
● Cover Rap dựa trên nhạc và lời của MV
● Cover Vũ đạo dựa trên nhạc và lời của MV
● Kết hợp cover Rap và Vũ đạo dựa trên nhạc và lời MV
 
Cuối cùng, MV kêu gọi tất cả học sinh và thanh thiếu niên trên khắp cả nước lên tiếng để các em được di chuyển trên những con đường an toàn hơn.
 
“Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên là một nền tảng khuyến khích thanh thiếu niên trên khắp Việt Nam đóng vai trò chủ động tích cực trong việc xây dựng những con đường an toàn cho các thành phố và đường phố tương lai, đồng thời còn giúp mang lại sự an toàn hơn cho bản thân các em. Ứng dụng YEA đã áp dụng AI và công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy sự tham gia và chia sẻ ý kiển của giới trẻ, ” Siddhartha Jha, Trưởng nhóm Đổi mới Kỹ thuật số và AI của Fondation Botnar chia sẻ.
 
Ông Siddhartha Jha, Trưởng nhóm AI và Kỹ thuật số, Quỹ Botnar phát biểu
 
Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên ra đời mang lại việc di chuyển an toàn hơn
 
Ứng dụng YEA, được phát triển bởi đối tác hàng đầu là Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP), nhằm giúp cho giới trẻ xác định và báo cáo tình trạng các cung đường có nguy cơ cao, cung cấp cho họ một nền tảng để tiếng nói của họ được lắng nghe. Thông qua Ứng dụng, các cơ quan chức năng sẽ được cung cấp thông tin dữ liệu dưới dạng khuyến nghị và dựa trên bằng chứng để từ đó góp phần đưa ra các biện pháp can thiệp an toàn đường bộ hiệu quả nhất. Ý kiến phản hồi của các em sẽ hỗ trợ xác định các điểm đen giao thông để thực hiện đánh giá chi tiết hơn về mức độ an toàn của khu vực trường học.
 
Kể từ khi Ứng dụng được triển khai thí điểm; các học sinh, sinh viên đã đã chia sẻ ý kiến của riêng mình bằng cách ghim hơn 18.000 điểm cho các địa điểm gần trường học kèm theo ghi chú về những rủi ro an toàn đường bộ mà các em cảm nhận được Ý kiến phản hồi của các em đã hỗ trợ dự án xác định các vị trí có nguy cơ để thực hiện đánh giá định xếp hạng sao của khu vực trường học bằng cách sử dụng công cụ Xếp hạng sao trường học. Xếp hạng sao trường học (SR4S) là một công cụ dựa trên bằng chứng để đo lường, quản lý và xác định những rủi ro mà trẻ em gặp phải trên hành trình đến trường. Công cụ này hỗ trợ các biện pháp can thiệp nhanh chóng để bảo vệ mạng sống và giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho học sinh khi tham gia giao thông.
 
Sau khi thí điểm Ứng dụng YEA, Quỹ AIP đã thực hiện một khảo sát với 1.468 học sinh, sinh viên để đo lường những thay đổi về kiến thức và thái độ của họ. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có kiến thức tốt hoặc xuất sắc tăng đáng kể từ 55,8% lên 80,6%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên thể hiện thái độ tích cực tăng từ 42,1% lên 58,6%.
 
“Chúng tôi vô cùng tự hào khi phối hợp cùng Quỹ AIP tổ chức Cuộc thi thử thách sáng tạo cùng Cung Đường Biết Nói cho các học sinh, sinh viên. Ứng dụng YEA là một nền tảng độc đáo cho phép học sinh, sinh viên chia sẻ nhu cầu và quyền lợi của các em học sinh. Nhờ có sự đồng hành của thanh thiếu niên, chúng ta mới có thể mang lại sự thay đổi thực sự”, Ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai.
 
Tiết mục dự thi của học sinh
 
AI for Good: Sử dụng Dữ liệu lớn để bảo vệ mạng sống trên đường tại Việt Nam
 
Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh niên từ 5-29 tuổi trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ước tính có hơn 6.200 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 5-29 thiệt mạng do va chạm giao thông trong năm 2019. Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng nhiều nhất đến giới trẻ. Chúng ta cần phải nâng cấp đường, quản lý tốc độ cũng như thực thi các yếu tố rủi ro hành vi để giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hiệu quả.
 
Dự án Tuổi trẻ và những cung đường biết nói kéo dài trong ba năm của Quỹ AIP, được hỗ trợ bởi Quỹ Botnar - một Quỹ thiện nguyện của Thụy Sĩ hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của những người trẻ sống ở các thành phố trên khắp thế giới - cũng như Quỹ FIA, Anditi và Chương trình Đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP). Ban An toàn giao thông và Sở Giáo dục và Đào tạo cả 3 tỉnh đều hỗ trợ triển khai Ứng dụng trên địa bàn.
 
Trong những năm gần đây, công nghệ dữ liệu lớn đã được ứng dụng để xác định các khu vực có nguy cơ cao, từ đó hỗ trợ cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp phòng ngừa trước khi thương vong xảy ra góp phần đảm bảo an toàn đường bộ.
 
Trao giải cho cuộc thi
 
Dự án Tuổi trẻ và những cung đường biết nói đã cách mạng hóa các biện pháp an toàn đường bộ ở Việt Nam thông qua việc áp dụng công nghệ mới nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Gần đây, công ty Google đã tiếp tục tài trợ cho iRAP và các đối tác 2 triệu đô la Mỹ, trong đó Quỹ AIP là đối tác chính tại Việt Nam để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên đường đến trường. Sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI, hình ảnh vệ tinh và hình ảnh đường phố để phát hiện rủi ro an toàn đường bộ nhằm giúp iRAP cùng với các đối tác Quỹ AIP, Anditi và Đại học Zagreb (FPZ, FER), đánh giá xếp hạng về mức độ nguy cơ cho các tỉnh, thành trên toàn quốc về cơ sở hạ tầng đường bộ xung quanh trường học tại Việt Nam và hỗ trợ nâng cấp tại các trường có nguy cơ cao nhất. Ứng dụng YEA sẽ được sử dụng để thu thập ý kiến của của học sinh, sinh viên về những rủi ro mà họ gặp phải để đưa ra quyết định.
 
“Theo em, ứng dụng YEA rất hữu ích và dễ sử dụng đối với mọi người từ học sinh đến sinh viên chúng em. Chúng em có thể sử dụng dễ dàng ứng dụng này để báo cáo chính quyền địa phương về những trường hợp, những địa điểm mà bản thân chúng em và những người đi đường cảm thấy an toàn, không an toàn hoặc rất không an toàn. Từ đó hỗ trợ cơ quan chức năng từ xa để có những cải thiện, khắc phục để đảm bảo vấn đề an toàn giao thông. Em rất vui khi có thể tham gia dự án Tuổi trẻ và những cung đường biết nói, được sử dụng ứng dụng YEA vì chúng em có thể đóng góp công sức trong công tác đảm bảo sự an toàn cho người dân đất nước thân yêu của chúng ta.” – Chia sẻ của em Nguyễn Hoàng Linh - trường THCS Nguyễn Du, thành phố Pleiku, Gia Lai.
BTV
ĐỒNG HÀNH