Hát ca giúp người cao tuổi tìm lại nét thanh xuân

Số lượng người cao tuổi càng nhiều và nhu cầu về giao lưu và sinh hoạt trong cộng đồng của những người lớn tuổi càng cao.

nguoi-cao-tuoi.jpg

Câu lạc bộ Hồ Xuân Hương luôn tích cực tập luyện hàng ngày.

Gần 3 giờ chiều, trời mưa tí tách nhưng nhà bà Ba vẫn rộn ràng tiếng hát ca. Tưởng tụi nhỏ tiệc sinh nhật hay “rửa” xe mới, dè đâu mấy cụ già trong xóm đang xúm nhau tập hát. “Tụi tui dợt văn nghệ chuẩn bị trình diễn chào mừng năm mới 2024 ở khu phố - bà Ba cười hớn hở - trời ơi, coi già vầy chớ ca hát sung lắm à. Ở đây có câu lạc bộ “Sống vui sống khỏe” nhờ thường xuyên hát ca đó nghen

Hát hay không bằng hay hát

Bữa nay nhóm các cụ tập bài Những cô gái Đồng bằng sông Cửu Long cho tiết mục hợp ca. Áo bà ba khăn rằn đã may đủ hết rồi, nhưng có cụ còn chưa thuộc lời nên qua nhà bà Ba mở karaoke tập cho nhớ. Các cụ tuổi trên dưới 70, tóc đã bạc trắng, ai cũng hát hăng say tuy có lúc còn trật nhịp, có khi “đâm hơi”; nhưng nét chung là mọi người đều nhập tâm, giọng hát rất có hồn. Bà Dương, 67 tuổi, chia sẻ: “Tụi tui hát không hay nhưng được cái là hay hát, trong nhóm đều là người cao tuổi nên rất hòa hợp. Tuổi già có ca hát, người nó năng động, linh hoạt và nhanh nhẹn lắm”. Bà Mười kể tiếp: “Ông xã tui vừa mất không lâu, lúc đó tui buồn bã không thiết làm gì, suốt ngày rầu rĩ riết người cũng rệu, sức khỏe dần suy giảm. Nhưng tui ráng gượng dậy và hát ca thì thầm một mình. Vậy mà người khỏe ra, rồi nhập vô câu lạc bộ này, vừa tập dưỡng sinh vừa ca hát, lại còn ngâm thơ nữa chớ. Vui lắm!”.

nguoi-cao-tuoi-tham-gia-cac-hoat-dong-cong-dong.jpg
Bộ môn góp phần phát triển nâng cao sức khoẻ cộng đồng, đồng thời tạo nền tảng rộng rãi phát triển năng khiếu để tạo tài năng thể thao cho Quận 3 và TPHCM.

Còn bà Nguyễn, 68 tuổi, bộc bạch: “Ở nhà lúc nấu cơm hay giặt đồ tui có thói quen hát nghêu ngao một mình. Rồi khi ru cháu ngủ cũng tranh thủ hát. Nhờ vậy mà người mình sảng khoái, mọi lo buồn đều tan biến hết”. Bà Ba, 73 tuổi, hào hứng: “Chỗ này quy tụ các cụ cao tuổi có hai niềm đam mê. Một là tập dưỡng sinh đều đặn mỗi ngày, hai là “ghiền” ca hát. Hễ ở đâu “hê” một tiếng là nhóm có mặt liền, từ biễu diễn ở khu phố cho tới cấp phường. Thậm chí, hôm chào mừng đại hội Đảng quận, mấy ông già bà cả cũng khăn gói lên đường hát mừng rôm rả lắm. Tiết mục đa dạng lắm: hợp ca, đơn ca, múa, thậm chí ngâm thơ, ca cổ cũng “chơi” luôn. Nhờ ca hát, tập dưỡng sinh mà sức khỏe các cụ ai cũng tốt. Bản thân tui trước đây thường ho hen, trời lạnh là “khọt khẹt” liên tục. Từ bữa ham vui ca hát tới giờ hổng thấy ho hen gì nữa”.

Ông Minh, chủ nhiệm câu lạc bộ “Sống vui sống khỏe” khu phố, cho biết, từ lúc thành lập tới nay là mới có hơn một năm, mà đã quy tụ được 45 thành viên, các cụ tỏ ra rất hào hứng tham gia vì đem lại lợi ích thiết thực. Trước tiên là nhờ ca hát, tập dưỡng sinh, sức khỏe các cụ ổn định, ít sự cố nguy hiểm; kế đó là các cụ sống hữu ích, là tấm gương tốt, lại truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng sống cho con cháu. Có thể nói, điều này không chỉ giúp bản thân các cụ vui khỏe mà con cháu trong nhà cũng khỏe vui".

Tiếng hát át tiếng… than!

nguoi-cao-tuoi-hoc-mua.jpg
Đây chính là sân chơi lành mạnh và bổ ích cho người cao tuổi tham gia rèn luyện sức khỏe, sống vui, sống khỏe, sống có ích, lạc quan yêu đời.

Từ hơn một năm trở lại đây, mỗi thứ sáu hằng tuần, lúc 6g30 chiều là các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử lại tụ về điểm nhà bà Thị ở khu phố 5. Sau khi thầy đờn Minh Quý so dây đàng hoàng, rao lên vài điệu ngâm vọng cổ, cuộc chơi bắt đầu. Bà Xuân đóng vai trò ba trong một, vừa là chủ nhà, vừa là chủ nhiệm câu lạc bộ, vừa làm “em xi” luôn. Bà đã ghi sẵn danh sách “ca sĩ” đăng ký bài từ lúc mới vô, giờ đem ra giới thiệu

Sân khấu là một khoảnh sân nhỏ trước nhà, vừa đủ chỗ cho thầy đờn ngồi và ca sĩ biểu diễn. Hàng ghế khán giả nối liền ngay sau sân khấu, chỉ cách một lối đi. Ca sĩ trình diễn xong, xuống làm… khán giả. Cứ vậy mà mọi người xoay vòng nhau ca hết bài này tới bài khác. “Một đêm tụ họp chừng 20 - 30 người, mỗi người ca được một bản là vãn hát - bà Thị cho biết - cũng vừa đúng thời lượng một chương trình ca nhạc hoặc coi một tuồng cải lương. Vì ai cũng được ca, ai cũng được thưởng thức nên mọi người đều vui vẻ. Nhờ vậy mà câu lạc bộ duy trì bền bỉ, tới nay đã là tròn 15 tháng”.

Tuần này, câu lạc bộ mở màn bằng trích đoạn vở cải lương Bên cầu dệt lụa do chị Ngọc trình bày. Chị có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm nên khán giả vỗ tay quá chừng rồi có người đem bông lên tặng. “Kế đến là giọng ca nam “đang lên và sắp xuống” Duy Thành với bài Dòng sông quê em - giọng tếu tếu của MC Xuân vang lên. Bên dưới, khán giả vừa say sưa thưởng thức, vừa nhấm nháp ly cà phê hoặc sinh tố.

Từ đó tới cuối, mọi người đều được giới thiệu lên ca, từ vọng cổ tới bài bản, ai cũng được thoải mái phơi bày giọng “cây nhà lá vườn” của mình. Các thành viên tới từ các khu phố trong phường, có cả các phường bạn. Chị Ngọc cho biết, từ khi câu lạc bộ thành lập tới nay, chị mới có dịp phô diễn giọng ca của mình vì chị vốn đam mê ca cổ từ nhỏ. “Thời gian dài không được ca, trong người em nó bứt rứt nóng nảy lắm. Ca một bài xong người nó nhẹ bẫng, rất khoan khoái, giống như mới tập yoga xong vậy”.

Trong câu lạc bộ, có một ca sĩ quen thuộc mà khi ông lên sân khấu, khán giả dưới này im phăng phắc. Đó là ông Trương (thường gọi Tư). Nay ông đã 74 tuổi, hai mắt đã mù, nhưng làn hơi vẫn còn khỏe như thời trai tráng. Đặc biệt, ông thường ca những bài của bậc lão làng, đặc biệt là bài Đài hoa dâng Bác do cố nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn thường ca lúc đương thời. Ông ca chắc nhịp, truyền cảm, kết hợp với tiếng đờn réo rắt của thầy đờn tên Quý, làm cho khán giả ngồi nghe ai cũng trào dâng cảm xúc. Thường lúc dứt câu cuối cùng hòa với tiếng song loan gõ cái “tróc” giòn tan, khán giả vỗ tay rào rào và mọi người cùng ùa lên sân khấu tặng ông cả rừng hoa. Lúc này, gương mặt ông ánh lên nét cười rạng rỡ đầy hạnh phúc.

Ít ai biết rằng ông vốn là một thương binh, từng để lại chiến trường một mắt phải và cánh tay bị gãy hồi 1970. Năm 2004, mắt trái còn lại cũng mù luôn, ông đã tuyệt vọng tới mức không thiết sống. Nhưng lời ca tiếng hát đã giúp ông lấy lại nghị lực sống. Với sự chăm sóc của vợ ông - bà Thị - ông phục hồi giọng ca của mình. Ông nhờ đứa cháu chép mấy câu vọng cổ không lời vô dĩa, ông tập tành ca theo. Lần hồi, đi đâu ông cũng xách mấy cái dĩa theo, lên sân khấu hát chỉ việc gắn dĩa vô, nhạc đờn tới đâu ông hát tới đó, y như ca sĩ chuyên nghiệp. Dần dà, ông bắt đầu nổi tiếng, các chương trình hội thi, biểu diễn văn nghệ từ phường, quận tới thành phố, chỗ nào ông cũng tham gia. Người ta hay gọi ông là “Út Trà Ôn” 2.

“Hồi chiến tranh anh em mình có câu “tiếng hát át tiếng bom”. Bây giờ tui già thương tật lại bị mù, cứ ngồi đó than thở ích gì. Thôi thì sửa lại thành “tiếng hát át tiếng than” để sống vui, sống khỏe, sống có ích chớ”, ông nói chắc nịch như vậy

Giao lưu và ca hát với nhau - Đời thêm tươi đẹp

Trong cuộc đời của mỗi con người, có những cái mà không ai tránh khỏi đó là: Sinh, lão, bệnh và tử. Trong đó tuổi già là quá trình lão hóa tự nhiên do tích tụ tuổi tác và ngày hôm nay với sự phát triển của xã hội, của kinh tế, của y học và khoa học kỹ thuật, tuổi thọ của con người càng được tăng cường, sức khỏe tuổi già cũng ngày được cải thiện. Con người càng có điều kiện sống lâu hơn, sức khỏe vật chất và tâm hồn càng tốt hơn. Số lượng người cao tuổi càng nhiều và nhu cầu về giao lưu và sinh hoạt trong cộng đồng của những người lớn tuổi càng cao.

Trong công việc giao lưu hằng ngày, do quỹ thời gian trong ngày khá nhiều vì không phải làm việc nên đa dạng hóa hoạt động thể chất như tập thể dục, luyện Yoga và hoạt động tinh thần: ca hát, diễn văn nghệ, làm thơ, thưởng thức âm nhạc cho người cao tuổi… là rất cần thiết. Khi tham gia những hoạt động này người lớn tuổi thấy yêu đời hơn, các nội tiết tố quan trọng của cơ thể gia tăng gần như thời trai trẻ và hệ tim mạch do có những cảm xúc tốt, dương tính sẽ hoạt động tốt hơn, nhịp tim trở nên đều đặn, huyết áp được cải thiện, tiêu hóa tốt hơn… họ ăn uống ngon miệng hơn, giấc ngủ cũng đến một cách dễ dàng.

Điều này đã được chứng minh từ lâu, ở các nước phát triển người ta rất chú trọng các loại hình giao lưu giữa những người lớn tuổi với nhau, nhất là trong các nhà dưỡng lão. Ở đây, mọi người luôn có sự giao lưu; trong đó dễ nhất là giao lưu văn nghệ, ca hát với nhau và có những bằng chứng rất hiển nhiên là những người sống trong các nhà dưỡng lão sống thọ hơn những người khác vì ngoài lý do họ luôn giao lưu với nhau, họ còn được chăm sóc sức khỏe về mặt y học thường xuyên và tốt hơn.

Hãy giao lưu với nhau và hãy ca hát với nhau cho đời thêm tươi đẹp và hãy quên đi gánh nặng tuổi tác, tìm lại nét thanh xuân là thông điệp mà những người thầy thuốc chúng tôi muốn truyền đạt cho những người lớn tuổi.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Dược TP.HCM)/ Khoa Học Phổ Thông
ĐỒNG HÀNH