Người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai và cấm xuất cảnh

Theo Bộ Tài chính, những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cấm xuất cảnh.

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số là vô cùng cần thiết. 

Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh siết chặt quản lý thu thuế từ thương mại điện tử. Đối với những trường hợp nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, cơ quan này sẽ cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh  với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ. 

thumb - 2024-02-28T120601.843
Người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên truyền thông và cấm xuất cảnh. (Ảnh: ATP Software)

Trước đó, những biện pháp này đã được áp dụng với những cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Cụ thể, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, với người bán hàng thương mại điện tử, cơ quan thuế chủ yếu tuyên truyền, khuyến khích, đôn đốc các tổ chức, cá nhân, kinh doanh và các bên thứ ba tự giác kê khai, nộp thuế. 

Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho biết, trước kia khi chưa được bổ sung thẩm quyền này, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã bỏ trốn trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, chống thất thu ngân sách nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các cá nhân, doanh nghiệp chây ỳ, quy định này là cần thiết.

Báo Công Thương dẫn lời ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, để thu thuế với thương mại điện tử, các đơn vị cần nghiên cứu cách quản lý, thu thập dữ liệu kinh doanh online thông qua chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán...

Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo toàn diện công tác quản lý thuế với thương mại điện tử, trong đó đánh giá kết quả, nhìn nhận lại những vấn đề cón tồn tại và kiến nghị cụ thể các giải pháp quản lý theo từng nhóm đối tượng để chống thất thu thuế thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế với thu nhập nhận được từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Thông kê từ Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2023 có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng thông tin thương mại điện tử. Tổng số thuế đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó có gần 6.900 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua cổng và 1.200 tỷ đồng do các bên trong nước khấu trừ nộp thay.

Trong số 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin năm 2023, số thu từ thương mại điện tử với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt hơn 536 tỷ đồng.

Theo VnMedia.vn
ĐỒNG HÀNH